Gọi Việt Kiều về phục vụ ĐTQG, không hề đơn giản như việc ý tưởng này xuất hiện trong đầu một cổ động viên.
Không phải cứ có mác Việt kiều là được lên tuyển
Nói không đơn giản bởi trong một nền bóng đá có sự tham gia của đông đảo các thành phần, có sự chồng chéo về mặt lợi ích và không dễ để dung hoà. Có được thông tin Việt Kiều không khó, nhưng "săn" được đầu người đòi hỏi phải gỡ rối đống tơ vò lợi ích đan xen, phân chia quyền lợi hợp lý và dung hoà các mối quan hệ. Đây là điều cực kỳ khó thực hiện với nguồn lực hiện nay.
Với bản thân cầu thủ Việt Kiều, về nước tức là chấp nhận bước ra khỏi vùng an toàn, xa gia đình và cuộc sống thân thuộc, cống hiến cho một đất nước xa lạ dưới một cái tên lạ lùng, khó đọc. Với một cầu thủ giỏi, điều này buộc họ gác lại cơ hội phát triển sự nghiệp ở nước sở tại. Việc dự bị mòn đít, bị đẩy sang Lào, thậm chí ăn cái ghế trong quán bún riêu cũng có thể xảy ra.
>> Xem ngay nhận định bóng đá từ chuyên gia <<
Đối với Liên đoàn, không phải đào tạo mà kiếm được cầu thủ giỏi thì hay quá, có thể nói là vừa được tiếng, vừa có miếng. Phân tích lợi ích thì Liên đoàn bóng đá (VFF) chính là bên hưởng lợi nhiều nhất nếu gọi được cầu thủ VK giỏi lên tuyển. Và thực tế cũng chứng minh, hầu hết các cầu thủ Việt Kiều từng phục vụ cho ĐTQG đều do các cán bộ VFF đưa về, từ như Hồng Quân, Văn Lâm (từ lứa U19 2012), hay Michal Nguyễn (2013). Một số phi vụ tuy thất bại nhưng cũng mang dấu ấn lớn của VFF như anh em nhà Lê Giang (2009), Filip Nguyen (2019), Alexander Dang (2019). Tất nhiên, các quan chức VFF cũng phải chịu một số rủi ro nếu như anh chị Việt Kiều mà họ đưa về đột nhiên hát vang quốc ca quê hương họ trong cuộc đối đầu giữa hai đội bóng. Tuy nhiên rủi ro này là nhỏ và có thể chấp nhận. Thế nhưng, trong một nền bóng đá xã hội hoá, Liên đoàn còn nhiều việc phải làm và họ cũng không thể một tay che trời mà đưa ra quyết định.
Về phía các ông bầu (owners): nếu như VFF là bên ủng hộ nhiệt thành, thì các ông bầu sẽ là những người bị đụng chạm lợi ích nhiều nhất nếu gọi một ông VK lạ hoắc nào đó lên tuyển. Các ông bầu hiện nay làm bóng đá, dù khoe mình "có tâm" hay không, đều không vì gì khác ngoài danh - lợi. Có lợi cho công việc làm ăn thì họ mới làm, không lợi thì phải có danh gì với núi sông. Mà danh - lợi được quyết định rất nhiều bởi số cầu thủ được gọi lên tuyển quốc gia và các cấp độ trẻ, cũng như màn trình diễn của họ. Vậy mà, tự dưng xuất hiện đâu 3-4 ông nửa tây nửa ta nghiễm nhiên chiếm suất, thật là tức chếc. Nhưng đừng vội chửi các ông bầu, bởi số tiền họ bỏ vào bóng đá lên tới hàng ngàn tỉ mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người và chống chèo cả nền bóng đá, nên những đòi hỏi về sự hiện diện "quân" của họ trên tuyển là có thể chấp nhận. Nếu không được lắng nghe, có thể họ không đầu tư nữa, bỏ giải, giải tán CLB hoặc quậy tưng lên, thuê truyền thông chửi ông chủ tịch này tham nhũng, ông giám đốc kia tư thù, rất là mệt đầu.
Về phía các cầu thủ nội, cũng đừng xem nhẹ tiếng nói và lợi ích của họ. Có HLV từng nói: ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ nắm 3 chân rồi. Ghế HLV còn vậy thì một ông Việt kiều chân ướt chân ráo mới về đã cướp suất của cạ cứng, thậm chí đe doạ chính vị trí của họ, thì việc bị cô lập, doạ nạt, múc luôn trên sân là dễ xảy ra. Cũng cần xét đến thực tế là trình độ của cầu thủ Việt Kiều không hề vượt trội so với mặt bằng chung nội binh. Tóm lại, thành công của Việt kiều phụ thuộc rất lớn vào việc họ có hoà nhập được với các nội binh hay không. Nếu Tây hẳn thì đã dễ, đằng này nửa Tây nửa Ta lại sinh lắm chuyện. Để dễ tưởng tượng, cầu thủ gốc Việt vĩ đại nhất - Lee Nguyễn - đã từng thất bại tại ao làng V-League cũng vì thân phận Việt nhưng sống như một ông Tây.
Cuối cùng, nhưng có lẽ quan trọng nhất: Khán giả. Khác với môn Bóng rổ, khán giả ở Việt Nam tương đối ít, đa phần là người trẻ và có quan điểm cởi mở nên cũng dễ dàng chấp nhận các cầu thủ VK. Ngược lại, tập khán giả của bóng đá, đặc biệt là ĐTQG là cực kỳ phức tạp. Nó bao gồm từ những người yêu bóng đá có hiểu biết chuyên sâu, tới những bà nội trợ, những cụ già thậm chí không hiểu luật ném biên. Tựu chung lại, số đông khán giả bóng đá đòi hỏi ở đội tuyển một mức độ đại diện cho người dân, điều mà họ không thấy ở một cầu thủ ngoại hình lạ lẫm và không nói được tiếng Việt.
Tóm lại, việc sử dụng cầu thủ Việt kiều ở ĐTQG chỉ thành công khi giải được bài toán lợi ích giữa 5 chủ thể: Bản thân cầu thủ Việt kiều, Liên Đoàn, Các ông chủ, các nội binh, và khán giả. Đây cũng là điều chưa thấy ai nói đến, đa phần chỉ biết ước: giá mà gọi ông J, ông F lên tuyển nhỉ.
Cập nhật tỷ lệ kèo đánh là ăn tại Bong Da INFO.
Copyright © 2008 Bóng Đá INFO,
All rights reserved.
Bóng Đá INFO - Nguồn dữ liệu tỷ số trực tuyến BONGDASO nhanh và chính xác nhất, trang thông tin tổng hợp bongdalu bongdainfo.app cập nhật tin soi kèo
Thời gian hoạt động : 24h từ Thứ 2 - Chủ Nhật (Bao gồm cả ngày lễ)
Chịu trách nhiệm nội dung: Tống Nhật Vũ
Địa chỉ: