Có thể khẳng định, điểm nhấn đặc biệt nhất tại V.League 2023 là việc có tới 3 đội bóng sử dụng hệ thống chiến thuật kim cương một cách tương đối ổn định cho tới lúc này của mùa giải. Hà Nội và Thanh Hóa vẫn đang trong cuộc đua vô địch, trong khi Topenland Bình Định vẫn cho thấy họ là đội bóng sẵn sàng chơi khó chịu trước bất kì đối thủ nào.
Xu hướng chiến thuật kim cương lên ngôi
Việc có tới 3 khối kim cương được vận hành có lẽ là điều chưa bao giờ được thấy tại sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Với Hà Nội, họ chỉ thiết lập cấu trúc này ở thời điểm có bóng, với hệ thống 3-4-3 kim cương. Điểm nhấn trong cách vận hành của họ là việc duy trì 2 cầu thủ chơi biên cao và rộng cùng 4 cầu thủ ở khu vực giữa sân hướng đến việc tạo ra sự áp đảo về quân số. Những trận đấu ấn tượng nhất trên khía cạnh tấn công của họ ở mùa giải này đến khi Văn Quyết góp mặt và giúp cho ý đồ luân chuyển bóng nhanh, khai thác khoảng trống của ông Bandovic được thể hiện một cách rõ rệt, liền mạch nhất. Dẫu vậy, chất lượng của những cầu thủ tấn công biên là thứ khiến Hà Nội chưa thể phát huy tối đa sức mạnh của ý tưởng vận hành chiến thuật này. Ở một vài trận đấu gần đây, ý tưởng về hệ thống kim cương vẫn được Hà Nội sử dụng, song đã có những điều chỉnh khi có vẻ như Hùng Dũng và Hai Long được yêu cầu chơi thấp hơn ở khu vực 1/3 giữa sân và đưa cấu trúc của họ trở thành 3-4-2-1.
Với Đông Á Thanh Hóa, có thể khẳng định họ là đội bóng kiên định nhất trong việc sử dụng đội hình kim cương cho đến lúc này. Sở hữu một trong những chân phát triển bóng đoạn ngắn và đoạn trung bình hay nhất giải đấu là Lê Phạm Thành Long cùng những số 8 cực kì cần mẫn và hoạt động cực kì có nhịp, ý tưởng vận hành sơ đồ kim cương của Thanh Hóa đến chủ yếu bằng những phương án phối hợp và di chuyển người thứ 3 để sau đó hướng đến vị trí người dứt điểm cuối cùng là Bruno. Cùng với đó, nhắc đến hệ thống kim cương của Thanh Hóa là phải nhắc đến khả năng gây áp lực đồng bộ, liên tục của đội bóng này. Không đơn giản để phòng ngự với hệ thống 4-4-2 kim cương, nhưng cho đến lúc này của mùa giải thì khả năng chọn thời điểm và khu vực phòng ngự của đội bóng này vẫn đang duy trì được sự ấn tượng và cường độ cao của mình.
Với Topenland Bình Định, họ chuẩn bị và bắt đầu mùa giải với hệ thống 4-1-4-1 trong cách chơi kiểm soát bóng và khai thác khoảng trống tương đối gọn gàng. Tuy vậy, sau chiến thắng 3-1 trước Hà Nội mà ý tưởng vận hành sơ đồ 4-4-2 kim cương đã phát huy đầy đủ giá trị của nó để khắc chế đội khách, HLV Đức Thắng gần như đã cố gắng sử dụng hệ thống chiến thuật này một cách tối đa. Khác với Đông Á Thanh Hóa, Bình Định có một tiền đạo với phong cách thi đấu hoàn toàn khác. Rafaelson hoạt động như một tiền vệ thứ 5 ở khu vực 1/3 giữa sân, điều khiến Topenland Bình Định phát huy ý đồ giữ được nhịp ở khu vực này, trước khi hướng đến chân tạt bóng chất lượng là hậu vệ trái Thanh Thịnh.
Nhìn rộng hơn, đây có thể xem là mùa giải chứng kiến sự áp đảo của sơ đồ chiến thuật 3 tiền vệ trung tâm tại V.League. Trong số 14 đội bóng tham gia, chỉ có Công An Hà Nội, Viettel và Tp. Hồ Chí Minh lựa chọn các sơ đồ chiến thuật gồm 2 tiền vệ trung tâm. Ngoài 3 đội bóng nói trên áp dụng cấu trúc kim cương, V.League chứng kiến 3 đội bóng chơi với sơ đồ 4-1-4-1 và 5 đội bóng khác vận hành theo sơ đồ 3-5-2 (di sản của HLV Park Hang-seo?).
Một tín hiệu (có vẻ) tương đối bắt kịp xu hướng chiến thuật bóng đá hiện đại cho tới lúc này.
bongdanet nhận định tỷ lệ kèo ăn siêu cao trúng thưởng mỗi ngày.
Copyright © 2008 Bóng Đá INFO,
All rights reserved.
Bóng Đá INFO - Nguồn dữ liệu tỷ số trực tuyến BONGDASO nhanh và chính xác nhất, trang thông tin tổng hợp bongdalu bongdainfo.app cập nhật tin soi kèo
Thời gian hoạt động : 24h từ Thứ 2 - Chủ Nhật (Bao gồm cả ngày lễ)
Chịu trách nhiệm nội dung: Tống Nhật Vũ
Địa chỉ: